TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIOAN PHAOLÔ II
Thời gian: 20h30 (từ ngày 12/10 – 21/10/2023)
Địa điểm: Phòng Hội
Ngày thứ nhất: Thánh Gioan Phaolô II –
Một Nhà Truyền Thông Mẫu Mực
Đức Gioan Phaolô II là một người
luôn mở lòng ra với Thiên Chúa và tha nhân. Ngài là một trong những nhà tiên
phong vĩ đại của Kitô giáo trong lĩnh vực truyền thông đại chúng và tương quan
công cộng (public relations). Bước vào thiên niên kỷ mới với những phát triển
vũ bão của các phương tiện truyền thông mới mẻ, dù là con người nhiệt thành và
kiên quyết bảo vệ những truyền thống cổ kính từ thời các tông đồ. Đức Gioan
Phaolô II cũng chính là vị Giáo Hoàng đã đem lại cho đời sống Giáo Hội sức sống
mới và sự trẻ trung năng động cần thiết trong thời đại của truyền thông. Những ảnh
hưởng của ngài nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, đã không chỉ giới hạn
trong khuôn khổ Giáo Hội, mà còn trải rộng trên toàn thế giới và đi sâu vào
trong con tim của mọi người. Đức Thánh Cha khẳng định trong Sứ điệp của ngài
nhân Ngày Truyền thông Thế giới 1998: "Các nhà truyền thông Kitô giáo phải
là những con người cầu nguyện với đầy Thần Khí, ngày càng đi sâu hơn vào sự
truyền thông với Thiên Chúa để lớn lên trong khả năng nuôi dưỡng sự truyền
thông giữa đồng loại." Như thế, truyền thông chính là vươn tới sự thánh
thiện, Từ giọng nói, các cử điệu, sự hiện diện của ngài tại bàn thờ hoặc trên
khán đài đều góp phần vào sự thành công của ngài như một nhà truyền thông mẫu mực.
Lời cầu nguyện: Lạy Thánh Gioan Phaolô II, qua truyền
thông ngài đã làm cho nhiều người đến với Chúa. Xin cho mỗi người chúng con hôm
nay biết noi gương của người để trở nên những nhà truyền thông Tin Mừng đích thực
cho thế giới. Xin giúp chúng con biết sử dụng các phương tiện truyền thông một
cách hiệu quả để đem Chúa đến với tha nhân và đem tha nhân về với Chúa.
Ngày thứ hai: Thánh Gioan Phaolô II –
Một Con Người Luôn
Gần Gũi Với Dân
Đức
Gioan Phaolô II khẳng định rằng “Con người là con đường của Giáo Hội”, còn hơn
thế nữa “Con người là con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội. Mỗi một người
được nối liền với Chúa Kitô một cách không thể lìa tan, và vì thế việc phục vụ
con người là điểm giao thoa của việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người,
là con đường bí tích rộng mở cho thế giới, là diễn văn của Giáo Hội và là việc
đối thoại với tất cả mọi người thiện chí. Vì vậy, ngài luôn gần gũi với dân chúng, không tách mình ra
khỏi mọi người, trái lại Thánh nhân đi tìm dân. Sự gần gũi là một trong những
đặc điểm của Thiên Chúa với dân Ngài.
Thánh Gioan Phaolô II luôn ý thức rằng một vị
mục tử phải là người gần gũi với dân, nếu ngược lại thì không phải là mục tử.
Mục tử gần gũi với những người lớn và cả người nhỏ, những người ở gần và cả
những ai đang còn ở xa”.
Ngài cũng là hình tượng của dân chúng mà tất
cả mọi người đều biết đến và Ngài đã để lại dấu ấn trong tâm trí của bao người
trên toàn thế giới, tình yêu hòa bình luôn là động lực cho bao người noi theo
không những người công giáo mà cả những người ngoài Kitô giáo.
Lời cầu nguyện: Lạy Thánh Gioan Phaolô II, ngài luôn quan tâm gần gũi với mọi người,
xin cho chúng con biết học nơi ngài sự quan tâm, yêu thương tha nhân. Đặc biệt
là những chị em đang gặp khó khăn cần được thông cảm và giúp đỡ để chúng con
đến với mọi người bằng trái tim bén nhạy. Từ đó chúng con biết nhân rộng cũng
như sẻ chia tình yêu thương đến hết mọi người mà chúng con gặp gỡ.
Ngày thứ ba: Thánh Gioan Phaolô II –
Một Người Yêu Công Bằng
Không chỉ là vị cha chung của Giáo Hội,
thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn được mệnh danh là người bảo vệ nhân quyền
vĩ đại, nhờ một cuộc đời không mệt mỏi trong việc đấu tranh cho nhân phẩm và
quyền lợi của con người. Bởi chính ngài cũng đã phải trải qua rất nhiều kinh
nghiệm của sự đau khổ và bất công trong xã hội. Ngài luôn mong muốn sự công bằng
xã hội, công bằng cho các dân tộc, công bằng khi chiến tranh được loại bỏ, công
bằng cho các nạn nhân bị Giáo Hội kết án oan sai trong quá khứ, công bằng và quyền
lợi cho những người phụ nữ. Ngài đã không ngừng chiến đấu để bảo vệ cho các
thai nhi, người già, người nghèo, bệnh nhân và những người bị áp bức. Theo Ngài
công bằng và lòng thương xót phải luôn đồng hành với nhau. Biết bao điều Thánh
Giáo hoàng đã thực hiện để mọi người hiểu được tình yêu thương xót của Thiên
Chúa. Bởi chính người đã cảm nhận được sự công bằng của Thiên Chúa có trong
thái độ của lòng thương xót này”.
Lời cầu nguyện: Lạy thánh Gioan Phaolô II, ngài là
gương mẫu cho chúng con về lòng yêu mến sự công bằng. Giữa cuộc đời đầy áp bức,
bất công này, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết noi gương ngài, luôn biết
nuôi dưỡng, thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng cống hiến sức mình cho việc kiến tạo
công lý và tình thương. Nhờ đó, chúng con biết trả cho Thiên Chúa những gì thuộc
về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Xin dạy chúng con biết
quên mình cho tha nhân như người, chứ không im lặng hay thỏa hiệp trước những bất
công trong cuộc sống nhằm bảo vệ quyền lợi và ích kỷ của bản thân. Để mai sau
khi ra trước tòa Chúa chúng con cũng được hưởng lòng thương xót của Chúa như
người. Amen.
Ngày thứ tư: Thánh Gioan Phaolô II –
Vị Thánh Có Lòng Tôn Kính Các Thánh
Thánh Gioan Phao lo II có trái tim
yêu mến, tôn kính đặc biệt đối với các Thánh, nhất là các Thánh tử đạo. Ngài là
người đạt kỷ lục trong việc tôn phong các Thánh và Chân phước. Ngài tôn phong
1,322 Chân phước và 457 vị Hiển thánh, trong đó có 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam
và 120 vị thánh tử đạo Trung Hoa. Con số vị Thánh và Chân phước được ngài tôn
phong hơn tổng số các vị mà các Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài tôn phong trong
vòng 400 năm trước đó. Ngài đặc biệt kính mến Thánh Stanislao, Giám mục tử đạo
Ba Lan. Chính cuộc đời của vị Thánh tử đạo này đã soi sáng cho ngài về ý nghĩa
của đau khổ và tử đạo. Thánh Stanislao đã để lại một dấu ấn không thể xóa mờ
trên định mệnh của Giáo Hội cũng như trên định mệnh chính quê hương. Tôn kính
đặc biệt Thánh Stanislao, vị Giám mục đã dùng chính mạng sống mình để lên án tố
cáo những hành động gian ác và cuộc sống vô luân của nhà vua. Ðức Gioan Phaolô
II luôn ý thức cách đặc biệt rằng ngài cũng chịu đau khổ ngay cả tử vì đạo vì
lòng ái quốc, vì tôn giáo, vì tự do con người. Ðối với ngài, người đã và đang
kinh qua đau khổ vì Giáo Hội, vì những quyền cơ bản của con người, thì không có
cái chết nào cao cả hơn cái chết cho công lý và tự do cũng như cho tôn giáo. Noi gương Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài mời gọi mỗi chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa,
trung thành với Hội Thánh, có những khi yếu đuối tội lỗi như Phêrô nhưng hãy
tin tưởng, phó thác bám chặt vào Chúa vào các Thánh chúng ta sẽ không ngã gục.
Lời cầu nguyện: Lạy thánh giáo hoàng Gioan Phaolô
II, xin Ngài dạy chúng con, và cầu cùng Chúa cho chúng con biết sẵn sàng sống
từ bỏ mỗi ngày. Xin cho chúng con luôn yêu mến tôn kính, noi gương các thánh
sống trung thành với Chúa trong từng giây phút của đời dâng hiến và sống xứng
đáng là con cái của Cha trên trời. Amen.
Ngày thứ năm: Thánh Gioan Phaolô II –
Đến Với Người Trẻ Bằng Cả Tấm Lòng
Đức Gioan Phaolô II được biết đến như là một Giáo hoàng của
giới trẻ ngay từ những năm đầu triều đại Giáo hoàng của ngài. Không chỉ là sự gần
gũi, thân thiện với các bạn trẻ mà ngài còn là nguồn cảm hứng và động lực cho
người trẻ vững bước trên hành trình đức tin giữa thời đại hôm nay. Là một Thủ
lãnh Giáo Hội, trên ngai tòa thánh Phêrô, nhưng ngài luôn ngỏ lời với giới trẻ
bằng những ngôn ngữ rất thân mật. Ngài gọi họ là “các bạn”, như những người
cùng trang lứa, tri âm tri kỷ. Tại Paris năm 1980, ngài đã nói với các Bạn trẻ:
“Cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ luôn là giây phút cao điểm trong các chuyến viếng
thăm mục vụ của Cha… Cha ao ước được nắm tay mỗi người và từng người
trong chúng con, được trực tiếp nói với mỗi người những lời thân tình bạn hữu.
Tuy không thể làm được điều đó, nhưng không gì ngăn cản Cha thể hiện tình hiệp
thông sâu xa của Cha với chúng con trong tinh thần và bằng trái tim.” Ngài luôn
tỏ ra là một vị Giáo hoàng rất cảm thông và hiểu giới trẻ. Chính ngài có sáng
kiến thành lập Ngày Đại hội Giới trẻ thế giới từ năm 1984 và được tổ chức hai
năm một lần ở nhiều châu lục khác nhau. Trong những dịp đặc biệt này, Ngài đích
thân hiện diện giữa họ, lắng nghe họ và cùng họ cầu nguyện.
Lời cầu nguyện: Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II, xin người cầu thay nguyện giúp cho các bạn trẻ trên toàn thế giới luôn biết
chung tay xây dựng một nền văn minh tình thương bằng sức trẻ của mình. Đặc biệt,
xin cho các bạn trẻ Công Giáo trở thành những người
Kitô hữu trưởng thành, sống động, biết chọn lựa việc nhà Chúa và phục vụ tha
nhân như niềm đam mê của mình. Nhờ đó Giáo Hội Công Giáo sẽ có 1 đạo binh dũng
mãnh để chiến đấu với sự cám dỗ của ma quỷ đang bủa vây.
Ngày thứ sáu: Thánh Gioan Phaolô II –
Con Người Say Mê Thánh Thể
Từ
thuở nhỏ, cậu bé Karol đã chứng tỏ một tâm tình đạo đức sâu xa. Mỗi sáng trước
khi đến trường, cậu luôn luôn ghé lại nhà thờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Khi
còn làm Giám mục, ghế quỳ
trong nhà nguyện của ngài được thiết kế như một chiếc bàn cầu nguyện, với mặt
bàn rộng đủ để ngài có thể viết trong khi ngồi hoặc quỳ trước Mình Thánh Chúa.
Khi lên làm Giáo Hoàng, ngài thường dành thời gian để chầu Thánh Thể trước buổi
tiếp kiến chung vào ngày Thứ Tư hằng tuần, hay sau các chuyến đi hành hương của
ngài và luôn luôn viếng Chúa trước và sau các bữa ăn. Dù
bận bịu biết bao công việc, mỗi ngày ngài đã dành nhiều giờ trước Thánh Thể,
trung bình 7 tiếng mỗi ngày. Ngài nói: “Cả thế giới có quyền chờ đợi nhiều nơi
Đức Giáo Hoàng. Vậy, Đức Giáo Hoàng sẽ không bao giờ cầu nguyện cho đủ”.
Khi phải viết về những giáo huấn liên quan
đến đức tin, ngài thường quỳ gối viết trước Thánh thể, gần giống như thánh
Thomas Aquino dựa đầu vào Nhà Tạm trước khi nói về Thánh Thể.
Việc ĐGH dành ưu tiên cho đời sống
thiêng liêng là chứng cứ cho thấy ngài tin vào Thánh Thể chính là gia tài vĩ đại
và quý giá nhất của Giáo hội. Thật vậy, cầu nguyện là nền tảng
mọi hoạt động nhân bản và mục vụ của Đức Gioan Phaolô II.
Lời cầu nguyện: Lạy Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã kết
hợp mật thiết với Chúa Giê su Thánh Thể bằng cả con người và tâm hồn của ngài. Xin dạy chúng con biết siêng năng đến với bí tích Thánh Thể,
lãnh nhận Mình Thánh Chúa để ngày càng có kinh nghiệm về sự kết hiệp với Chúa Giêsu.
Đặc biệt qua bí Tích Thánh thể xin dạy chúng con đến với tha nhân bằng cả trái
tim và tình yêu chân thành.
Ngày thứ bảy: Thánh Gioan Phaolô II –
Gương Mẫu Của Sự Thánh Thiện Và Lãnh Đạo
Thánh GH
Gioan Phaolô II không những đã hướng dẫn Giáo hội sống đúng theo đường lối Công
đồng Vaticanô II đã chọn lựa, mà chính bản thân Ngài còn nêu gương cho mọi người
một cách tuyệt vời trong suốt cuộc đời Ngài. Ngài đã sống thánh thiện bằng việc
luôn gắn bó với Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa lên trên tất cả mọi sự, vâng lời
Thiên Chúa hơn vâng lời người ta. Cùng với sự thánh thiện đó, Ngài trở thành vị
lãnh đạo mang lại nhiều quyết định đột phá
và những sự kiện quan trọng làm thay đổi cái nhìn về chức vị Giáo hoàng cũng
như ảnh hưởng đến tiến trình của lịch sử châu Âu và thế giới.”
Ngài là vị giáo hoàng vừa hiện đại vừa cổ điển mang đến cho
cuộc sống của Giáo hội một luồng khí thở trong lành, và qua nó, đến với những
không gian rộng lớn hơn của văn hóa, chính trị và khoa học, được hiểu cách rộng
rãi. Và theo nghĩa này, “thánh Giáo hoàng trở thành một thầy dạy thực sự và là
Tiến sĩ của Giáo hội, một người gìn giữ các giá trị của châu Âu, là nền tảng
không thể xóa nhòa của nền văn minh hiện đại”
Lời cầu nguyện: Lạy Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, xin người câu thay nguyện
giúp cho các nhà lãnh đạo trong Giáo hội và Xã hội biết đặt lợi ích của tha
nhân lên trên bản thân, biết mang lại hòa bình cho quốc gia, dân tộc. Xin giúp
cho họ luôn ý thức về vai trò và vị trí của mình, cho họ luôn lấy sự phục vụ
làm đầu để có thể đưa đời sống của xã hội và đất nước mình hướng về nguồn chân
thiện mỹ là chính Chúa.
Ngày thứ tám: Thánh Gioan Phaolô II –
Việc Sùng Kính Đức Maria
Ngay từ những năm đầu của triều đại Giáo Hoàng, Ðức Gioan-Phaolô
II đã cho thế giới biết ngài quan tâm thế nào đến việc nêu gương tôn sùng Ðức
Trinh Nữ Maria. Nếu Thông điệp Redempror Hominis (1979) là xác quyết lòng tin
và là đề cương cho việc phục vụ Dân Chúa, thì Thông điệp Redemptoris Mater
(1987) chính là đối xứng không chỉ về phương diện từ ngữ mà còn về tấm lòng noi
gương Ðức Maria mà phục vụ Ðấng Cứu Thế và không chỉ là quyết chí trên bình
diện lý thuyết mà còn rất cụ thể hơn bất cứ Giáo Hoàng nào. Ðức Gioan Phaolô II
vô cùng gắn bó với những truyền thống tôn vinh Ðức Maria và luôn nêu cao tấm
gương hiệp thông. Đặc biệt là đích thân ngài đến kính viếng Ðức Mẹ tại những
nơi được truyền thống mỗi dân tộc nâng niu tôn kính. Tại quê hương Ba Lan, ngài
bộc lộ lòng yêu mến Ðức Mẹ màu đen; tại Lộ Ðức, ngài tôn sùng Ðức Maria Vô
Nhiễm; tại Fatima, ngài lần hạt cầu cho cả thế giới; tại Châu Mỹ Latinh, ngài
cùng với người dân bản xứ cầu kinh cùng Ðức Mẹ Gudalupe; và khi ngỏ lời với con
dân Việt Nam, ngài không bao giờ quên nhắc đến Ðức Mẹ La Vang.
Tháng 10 năm 2002, chuẩn bị mừng 25 năm Giáo Hoàng, ngài gửi đến
mọi thành phần dân Chúa bức Tông thư "Rosarium Virginis Mariae" về
Kinh Mân Côi, lặp lại xác tín và lòng yêu mến Ðức Mẹ. Và dịp Khánh Nhật Truyền
Giáo năm 2003, ngài chỉ muốn nhắc lại xác tín này là "hãy cùng với Ðức
Maria mà chiêm ngắm, bước theo và sinh Chúa Giêsu cho những người đồng thời với
mình".
Lời cầu nguyện:
Lạy Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng
một tình yêu chân thành, ngài dành cho Đức mẹ. Xin dạy chúng con biết đến với Mẹ
bằng trái tim đơn sơ chân thành. Xin thánh Gioan Phaolô II cầu thay nguyện giúp
để chúng con đến với Chúa qua Mẹ như là Đấng bảo vệ gìn giữu và chở che chúng
con.
Ngày thứ chín: Thánh Gioan Phaolô II –
Một Mục Tử Gần Với
Dân
Đức Hồng Y Karol Wojtyla (1920-2005), Tổng Giám mục Krakow,
được bầu làm người kế vị thánh Phêrô vào ngày 16 tháng 10 năm 1978.
Trong bài
diễn văn ngày nhận chức, Đức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ tuyên bố với thế giới
chính lời của Chúa “Đừng sợ!” (x. Ga 6,21). Ở vào một giai đoạn còn nhiều vấn đề
tế nhị, nhất là trong lãnh vực chính trị, lời tuyên bố “Đừng sợ!” ngắn gọn là
thế, nhưng đã diễn đạt được đường hướng mục vụ của người kế vị Thánh Phêrô.
Trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, Ngài đã chứng tỏ điều ấy. Luôn phó
thác và tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trong lịch sử và trong Giáo Hội, Đức
Gioan Phaolô II đã đi đến mọi nơi, gặp gỡ mọi người, đối thoại với tất cả.
Với sự kiên
định phó thác, Đức Gioan Phaolô II đã can đảm lên tiếng bảo vệ dân bằng cách:
phản đối chiến tranh, lên án chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa duy vật, các phương
pháp phá thai và chết êm dịu. Ngài không ngừng kêu gọi hòa bình và chủ trương đối
thoại. Để bảo vệ đoàn chiên.
Với cương vị là người kế vị thánh
Phêrô, thay mặt Chúa chăm sóc đoàn chiên. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nỗ
lực cho sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho Ngài ở trần gian. Có thể nói rằng: Ngài
là vị mục tử luôn chăm lo cho đoàn chiên của Chúa. Bằng tất cả tấm lòng của một
người chủ chăn, Ngài luôn cầu nguyện và giúp đỡ cho hết tất cả mọi người. Với sự khiêm tốn, cảm thông, ngài đến với mọi
tâm hồn. Bởi đối với ngài thì Thiên
Chúa đã ban cho ngài một hồng ân, như Thiên Chúa đã ban cho biết bao giám mục
và linh mục, là tha thiết yêu thương tất cả mọi người”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhận định: Với 104 chuyến tông du quốc tế của đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II, theo gương Tông đồ Phao-lô. Người đã đến các cộng đồng truyền giáo
rải rác khắp thế giới, ngay cả những địa danh xa nhất về địa lý và nhỏ bé về số
lượng, Người luôn quan tâm gặp gỡ, không chỉ với những người cao cấp và thủ
lãnh quốc gia, nhưng trên hết là người nghèo, người bệnh, người già, người tù,
người tàn tật và những người thường bị đặt bên lề xã hội.
Ngài đã làm
nổi bật trong truyền thống Kitô giáo là ba hình ảnh trong Phúc Âm về người mục
tử: đó là hình ảnh người mang con chiên
lạc trên vai, người dẫn dắt đoàn chiên trên những đồng cỏ xanh tươi, người cầm
gậy trong tay tập họp đàn chiên và bảo vệ chúng khỏi mọi hiểm nguy. Ngài
đã chu toàn trách nhiệm của mình. Chính trong trách nhiệm đã gắn bó với sứ vụ của ngài và suốt
cuộc đời mình, ra đi khắp nơi để gặp
gỡ, yêu thương mọi người..
Lời cầu nguyện: Lạy Thánh Giáo Hoàng Phaolô II.
Bằng một tình yêu vô vị lợi của người mục tử, Ngài đã đến và đã chạm vào
trái tim người dân. Và qua những hành động của Ngài đã làm nổi bật về Người thầy
mục tử Giêsu. Là lo cho đoàn chiên, bảo vệ đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. Xin giúp
chúng con luôn biết noi gương Ngài trở thành những tông đồ nhiệt thành của Chúa.
Đặc biệt là qua sứ vụ mà chúng con đang thực thi, xin cho chúng con biết can đảm
vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng vác thánh giá theo Chúa Kitô và mang tình
yêu, niềm vui cùng hạnh phúc đến với tất cả mọi người.
____________________________
-Kinh Lạy Cha
-Kinh Kính Mừng
- Kinh Cầu Thánh Gioan Phaolô II
Ôi Thánh Gioan Phaolô II, từ cửa
sổ thiên đường, xin ngài chúc lành cho chúng con. Xin ngài chúc lành cho Giáo Hội
mà ngài từng yêu thương, phục vụ và hướng dẫn, từng can đảm dẫn dắt Giáo hội
theo những đường lối của thế gian, để đem Chúa Giêsu đến với mọi người và đưa mọi
người về với Chúa Giêsu. Xin ngài chúc lành cho giới trẻ, là những người mà
ngài từng yêu quý. Xin giúp họ sống lại những ước mơ, xin giúp họ dám nhìn lên
cao, để tìm thấy ánh sáng chiếu soi những con đường sự sống ở trên trái đất
này.
Xin ngài chúc lành cho các gia
đình, cho từng gia đình! Ngài từng khuyến cáo chúng con về sự tấn công của
Satan đối với tia sáng linh thiêng quý giá và không thể thiếu, mà Thiên Chúa đã
thắp lên ở mặt đất. Ôi Thánh Gioan Phaolô, nhờ lời cầu khẩn của ngài, xin ngài
gìn giữ gia đình và mọi sự sống đang nẩy nở từ gia đình.
Xin ngài cầu cho toàn thế giới,
vì nó vẫn đầy dẫy các vết tích của sự căng thẳng, chiến tranh và bất công. Ngài
từng giải quyết chiến tranh bằng con đường đối thoại, và gieo các hạt giống yêu
thương. Xin cầu cho chúng con, để có thể trở nên những người gieo giống không mệt
mỏi.
Ôi Thánh Gioan Phaolô, từ cửa sổ thiên đàng, là nơi chúng con thấy ngài ở bên Đức Maria, xin đổ các ơn lành của Chúa xuống trên chúng con. Amen.
- Thánh Gioan Phaolô II - Cầu cho chúng con (3 lần)
-Kết thúc: Làm dấu Thánh Giá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét